Hôm trước, trong buổi training truyền thông cho một doanh nghiệp ngoài Hà Nội, tôi có nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của Giám đốc Truyền thông.
Tôi nghĩ, vị trí này phải là tai mắt của toàn công ty để thu thập và xử lý tất cả dữ liệu "có liên quan" đến doanh nghiệp, sản phẩm - dịch vụ và đôi khi cả dữ liệu ngành hay thông tin đối thủ. Sau đó, Giám đốc Truyền thông rất nhanh phải đánh giá được trong một mớ hỗn độn thông tin đó, dữ liệu nào thực sự là... dữ liệu, tức là có thể sử dụng như một chất liệu để truyền thông.
Giám đốc Truyền thông nếu chỉ ngồi nhận "chỉ đạo" từ CEO hoặc các trưởng bộ phận rồi thực thi thì kém quá. Vị trí này cần năng động và nên tỏ rõ "quyền lực" hơn trong việc quyết định thông tin nào có thể đẩy ra, thông tin nào cần giữ lại và thông tin nào có thể bỏ qua.
Giám đốc Truyền thông nên tham gia mọi cuộc họp toàn công ty và không bao giờ có quyền ngủ gật. Vì đôi khi, thông tin phòng nhân sự báo lại rằng tháng này mới tuyển dụng thêm 3 bảo vệ sẽ không được ai chú ý nhưng Giám đốc Truyền thông lại nhìn thấy như một cơ hội nghìn năm có một để đẩy ra một thông điệp nào đó về quyết tâm đổi mới, hay chỉ dấu của việc update quy trình.
Thí dụ hôm nay, khi đọc trên VnE, tôi xem video clip "Các điểm đến hàng đầu của Việt Nam trong tháng 9". Trong đó, có một thông tin cực kỳ "thú vị".
Đó là, công ty du lịch hàng không thế giới OAG vừa thống kê và công bố, đường bay Hà Nội - TP.HCM lọt top đường bay đông khách nhất thế giới, phục vụ tới 6,7 triệu lượt hành khách tính riêng trong năm 2017.
Tất cả chỉ có thế, không hơn. Nhưng nếu nhớ lại một "thông tin nền" trong ngành hàng không trước đó, cần nhắc lại rằng #Vietjet Air đã trở thành hãng hàng không dẫn đầu Việt Nam khi đạt được 43% thị phần hàng không nội địa.
Tức là, con số 2,9 triệu lượt người có thu nhập trung bình thấp được trải nghiệm phương cách đi lại hiện đại, an toàn và văn minh hàng đầu nhờ Vietjet đã "biến hình" không còn là một con số khô khan vô nghĩa.
43% thị phần
2,9 triệu lượt người
Và đường bay nội địa nhộn nhịp hàng đầu thế giới
Rõ ràng, khi liên kết lại, chúng ta có một câu chuyện hết sức hay ho, sinh động, và đã vươn tầm thế giới.
Đấy chính là vai trò phát hiện chất liệu của Giám đốc Truyền thông, và điều đó chỉ đến được từ những vị Giám đốc Truyền thông không ngủ gật. Nói bằng ngôn từ "chuyên môn", thì vị trí này phải có sự nhạy cảm đặc biệt với thông tin.
Tất nhiên, sự nhạy cảm đó không đến từ chuyên môn "gói" trong kỹ thuật truyền thông.
Giám đốc Truyền thông phải "đắm mình" trong cơn lũ thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ và ngành nghề mà mình theo đuổi. Thêm nữa, việc liên tục cập nhật kiến thức về xã hội, văn hoá, pháp luật và chính trị cũng vô cùng quan trọng.
Điều đó không bao giờ có được với một vị "giám đốc" truyền thông làm việc chỉ vì tiền. Và càng không bao giờ có với một "giám đốc" truyền thông thường xuyên... ngủ gật!
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long