Hôm trước, có một người bạn thân hỏi vay tiền. Bạn nói đang có một miếng đất "cực kỳ ngon" ở tỉnh A, bạn vô tình thấy sau chuyến đi du lịch (bạn thì sống ở tỉnh B).

Bạn bảo rằng cần vay tôi một ít tiền, trong một ít ngày để gom mua đất, sau đó sẽ cắm lại vào ngân hàng để lấy tiền ra trả nợ tôi ngay.

Nếu là người không đủ thân, chắc chắn tôi sẽ nói không có tiền cho mượn. Nếu là người chỉ quen sơ, tôi từ chối và nói bạn nên tìm hiểu kỹ. Nhưng vì rất quý bạn, nên tôi có nói rằng, miếng đất này ngon như vậy, nếu là tôi thì tôi sẽ không mua.

Bởi vì, tôi cho rằng một miếng ăn ngon tự nhiên bay tới miệng mình (trong xã hội có bảy vạn cái mồm đánh hơi khắp mọi nơi) thì chỉ rơi vào 2 trường hợp.

Hoặc đằng sau miếng mồi ngon đấy là thuốc độc, là ổ kiến lửa, là lưỡi dao, là cạm bẫy trực chờ. Trường hợp này chiếm tỷ lệ 99,999%.

Hai là, có thể nó là miếng mồi ngon thực sự, mà do mình quá may mắn nên tình cờ phát hiện ra. Trường hợp này chiếm tỷ lệ 0,001%. Thế nhưng vẫn có, chứ không phải là không có.

Nếu rơi vào trường một, từ một ý định đơn giản và số vốn nhỏ bé ban đầu, chúng ta sẽ càng ngày càng bị cuốn sâu vào trong đó. Phải mất nhiều thời gian công sức và tiền bạc hơn cho nó. Cho tới một ngày, nếu không kiên trì, thì chúng ta bỏ cuộc. Mất tiền vì bỏ cuộc giữa chừng khi chưa tới đích, chứ không phải vì nó "hết ngon".

Hoặc nếu không bỏ cuộc, thì chúng ta dần dần biến thành một người chuyên nghiệp trong lĩnh vực mà ban đầu chúng ta định dạo chơi. Sau nhiều mất mát đau thương, trầy da tróc vẩy, lên voi xuống chó, đổ mồ hôi sôi nước mắt thì chúng ta đã có kinh nghiệm đầy mình và xơi được miếng mồi ban đầu mình tưởng rất ngon.

Tất nhiên, như vậy thì cũng tốt thôi, vì chúng ta đã có một nghề. Nhưng nói "ngon", là không đúng.

Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, tức là do may mắn vì kiếp trước ta cứu được 9 mạng người, xây được 13 tòa tháp để bây giờ tình cờ ta được một miếng mồi ngon thật, thì xin... thành thật chia buồn. Cuộc đời chúng ta nhiều khả năng bắt đầu xuống dốc!

Vì từ giờ phút đấy, ta bỏ bê cuộc sống, ta không đầu tư thời gian công sức vào công việc chính, không rèn rũa kiến thức kỹ năng, mà ta chỉ mải miết đi săn tìm những miếng mồi ngon như vậy. Ta trở thành kẻ nghiện một thứ bong bóng phù du.



Y như cách mà truyền thông và Vietlot đang song kiếm hợp bích vẽ ra hàng ngày hàng giờ trên báo chí.

Tôi chia sẻ thật lòng với bạn cuộc đời tôi có nhiều nguyên tắc nói KHÔNG, mà một trong những cái KHÔNG lớn nhất là KHÔNG mua vé số. Vì tôi sợ mình chưa đủ bản lĩnh để vượt qua cám dỗ, nếu lỡ không may... mình trúng được một cục tiền!

Có nhiều khi, nhìn các ông già bà lão chân chậm mắt mờ lưng còng tay yếu khiến bản thân không thể cầm lòng, tôi có thể cho tiền, hoặc "mua tặng" họ vài ba tờ vé số (tức là mua rồi biếu lại luôn). Nếu vì lý do nào đó buộc phải giữ vé số trong người, tôi cảm thấy đó là tai họa.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chẳng may mình trúng độc đắc vài tỷ VNĐ?

Tất nhiên, tôi chưa đủ dũng cảm đến mức xé bỏ ngay lập tức mà không so kết quả. Nhưng tôi vẫn tự hứa với bản thân rằng lỡ trúng, dù bất kể bao nhiêu, cũng ngay lập tức mang tiền đi làm từ thiện. Không cần cho Quỹ nọ Quỹ kia, nhưng xem những hoàn cảnh sống quanh mình, bà con họ hàng thân thuộc, có ai cần giúp đỡ thì sẽ cho. Và phải cho bằng hết.

Tôi không bao giờ muốn suy nghĩ "mình sẽ trúng tiếp" lởn vởn trong đầu. Và ngày ngày cúng tiền cho các công ty vé số.

Tất nhiên, cuộc đời mỗi người có nhiều lựa chọn. Nhưng khi mình còn đủ tay chân, sức lực thì cá nhân tôi chỉ cảm thấy hạnh phúc khi sử dụng đồng tiền do mình lao động kiếm ra, và cống hiến giá trị nào đó cho xã hội. Việc trúng số Vietlot, hay vô tình có một cục tiền nào đó từ trên trời rớt xuống (một cách hợp pháp) không làm tôi cảm thấy hạnh phúc, dù cuối cùng thì tiền vẫn là tiền.

Tôi nói với bạn rằng có những người mỗi ngày bỏ ra 10.000đ - 20.000đ mua vé số. Họ nói rằng mua chỉ cho vui, vì họ không tin rằng sẽ trúng. Và điều đó có thể thay đổi, có thể họ sẽ ngừng việc "mua vui" ấy lại sau lần thứ 99 mua mà không trúng. Nhưng quả là nguy hiểm nếu cố mua tới lần thứ 100 và trúng, lại trúng "rất to". Số tiền đủ lớn để khiến họ nghĩ rằng mình hoàn toàn có cơ hội trúng tiếp, và có thể suốt phần đời còn lại họ mất tiền nuôi béo các công ty vé xố.

Tôi biết có nhiều người bản lĩnh, nhưng tôi thì không đủ bản lĩnh để ngừng chơi nếu rơi vào trường hợp đó. Nên tôi thấy những bài báo tung hô ông A, bà B cứ ngồi chơi vẫn "trúng" vài chục vài trăm tỷ VNĐ chẳng khác gì thuốc độc liều cao. Đó là những bài báo vô bổ, không có giá trị thông tin, không mang về kiến thức, không khiến con người sống bao dung nhân ái với nhau hơn.

Nó không mang lại bất cứ một giá trị gì cho xã hội ngoài thông điệp ngầm khuyến khích mọi người lao đầu vào may rủi và u mê trong đó.



Tôi nói với bạn của mình rằng tôi là người có nhiều mối quan hệ, tôi cũng đi đây đó rất nhiều và có khả năng quan sát tốt. Thực tế, tôi nhìn đâu cũng thấy cơ hội kiếm tiền. Và cảm giác rất dễ để kiếm tiền. Nhưng tôi lúc nào cũng phải giữ cho đầu mình tỉnh táo, để tự nói với bản thân rằng đó thực ra là những viên đạn bọc đường, hoặc nếu tình cờ may mắn thật để nhặt được viên sô-cô-la thì rất dễ trượt xa khỏi mục tiêu cuộc sống, trở thành một kẻ nghiện ăn đồ ngọt, rồi trượt dài trong đấy không có điểm dừng.

May mắn, cộng với sự không tỉnh táo, thì sẽ biến thành thuốc độc liều cao. Nó sẽ khiến chúng ta mất nhiều hơn được. Mà chỉ đến khi thân tài ma dại ta mới cay đắng nhận ra.

Khi ấy, thì tất cả đã muộn mất rồi...




Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long