Nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng sự việc của Khải Silk là KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG và hỏi cô giáo các vấn đề về mặt chuyên môn. Không phải thế, câu chuyện này phải được gọi đúng tên là KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN và LỪA DỐI.
Khủng hoảng truyền thông chỉ mang tính sự vụ và thời điểm. Thí dụ Tàu bay MH370 mất tích, sập cầu Cần Thơ, con ruồi của Tân Hiệp Phát... Các em thử nghĩ, nếu một hãng hàng không nào đó mà bay chuyến nào mất tích hoặc rơi chuyến đó, doanh nghiệp xây cái cầu nào sập cầu đó, hoặc hãng nước ngọt mua 7 tấn ruồi về cho đầy đủ vào 7 triệu chai thì có gọi là khủng hoảng truyền thông được hay không?
Đừng đổ lỗi cho truyền thông như vậy! Truyền thông có làm gì đâu mà gây khủng hoảng?
Ông cần mẫn đi lừa người ta từ ngày này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác bây giờ bị phát hiện thì hãy làm việc với luật sư mới đúng. Có lẽ ông Khải cũng nghĩ rằng (hoặc được ai đó tư vấn) phương án xử lý khủng hoảng truyền thông nên ông mới dùng truyền thông giải quyết và đẩy cơn giận dữ lên cao và nhanh như vậy.
Phim Mĩ có câu anh có thể giữ im lặng hoặc lời nói của anh có thể thành bằng chứng chống lại anh trước toà. Ông Khải đã tạo ra một case study không thể “tuyệt vời” hơn cho việc đấy. Ông lên báo nói rằng “từ những năm 1990 tôi đã chơi trò đánh hàng trung quốc về cắt mác”.
Đó là điều kinh khủng, vì nó làm cho cả xã hội, cả giới truyền thông và cơ quan quản lý shock nặng! Ông Khải sai lầm nhất từ câu nói đấy.
Ban đầu, câu chuyện chỉ là của ông với một khách hàng và vài ngàn người hóng chuyện. Chỉ hóng thôi vì người ta không thấy người ta trong câu chuyện “vài cái khăn” cắt mác. Nhưng với lời “thú tội” gây shock 30 năm lừa dối, ông khiến cho cả xã hội thấy mình trở thành người trong cuộc.
30 năm cơ mà, tức là từ khi cô giáo còn đang chập chững tập đi, thì đến bây giờ có ai chắc rằng bản thân mình, họ hàng mình, người quen của mình chưa từng mua bán, tặng các “sản vật” của Khải silk? Ông bỗng chốc biến cả xã hội trở thành nạn nhân của ông trong một suy nghĩ sửng sốt và hoang mang cực độ.
“Tôi chưa từng mua đồ gì của Khải silk mấy năm nay. Nhưng hình như 5 năm trước có được tặng một cái caravat lụa. Thôi chết khéo khi ấy tôi cũng bị thằng này nó lừa rồi”.
Nội tình là như vậy!
Tiếp nữa, lời thú tội của Khải silk vẽ ra chân dung một “tập đoàn lừa đảo”. Vì trong 30 năm với một đế chế triệu đô, chắc hẳn ông Khải không thể qua tung của một mình, đàm phán lựa chọn mẫu mã một mình, mua bán xuất nhập một mình, ông càng không thể cắt bỏ mẫu mã một mình. Vậy hàng nghìn người tiếp tay cùng ông lừa dối khách hàng như vậy có phải đang hình thành một liên minh ma quỷ và có quá lời khi gọi là “tập đoàn lừa đảo”?
Đây đâu phải câu chuyện của một mình ông Khải silk đâu? Những con người ấy, họ vẫn còn trong bóng tối, được nghe giáo huấn, được tấm gương Hoàng Khải soi đường, có ai dám chắc những “bóng ma dập dờ” ấy không đi theo con đường mưu ma chước quỷ mà Khải silk đã vẽ ra?
Họ là ai? Họ đang ở đâu? Họ làm gì? Bán gì? Kinh doanh gì? Và đang tiếp tục phát huy tinh thần buôn gian bán lận ấy ra sao?
30 năm, một con số kinh hoàng với một bầy đàn cấu kết nhau lừa dối.
Tiếp nữa, dư luận phải shock chứ khi một câu chuyện kinh thiên động địa như thế có thể dễ dàng lọt qua con mắt tinh tường của tầng tầng lớp lớp cơ quan quản lý, trong đằng đẵng 3 thập kỷ? Trong khi chỉ một buổi chiều “kiểm tra đột xuất” trong chỉ một cửa hàng, người ta đã phát hiện được ông Khải buôn bán gian manh?
Với từng đó thứ thối tha mà đổ vấy thành “khủng hoảng truyền thông” thì xin lỗi, cô giáo không thể nào ngửi được.
Vậy nhé, mấy em cứ việc bàn chuyện truyền thông, còn cô giáo đã ngất lịm từ khi nghe câu chuyện về liên minh lừa đảo được sự chung tay của cả vạn người. Hãy lôi tất cả những kẻ đó ra ánh sáng của minh bạch và công lý.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long