Màn hình khởi động ứng dụng của wechat vừa được thay thế.
Hình bên trái là bức ảnh chụp trái đất nổi tiếng của Nasa với Châu Phi (cái nôi của văn minh nhân loại) ở vị trí trung tâm. Hình mới thay thế, ở bên phải, do vệ tinh Trung Quốc tự chụp, với Việt Nam ở vị trí ké gần trung tâm.
Thật tự hào!
Hình ảnh mới này được truyền tới khoảng 700 triệu người dùng thường xuyên của wechat khắp thế giới như một biểu tượng về sức mạnh mềm.
Thế lực khổng lồ này từng nhăm nhe vào Việt Nam thời điểm năm 2012 thông qua việc hợp tác với một cơ số celebs để quảng bá tính năng “tin nhắn thoại” (cái thời Viber, Zalo còn chưa nhiều người biết tới). Việc hợp tác này không vi phạm pháp luật khiến các cơ quan quản lý lúng túng, mà thực ra cũng chẳng mấy quan tâm.
Đùng một cái, người dùng phát hiện bản đồ trong app này xuất hiện đường lưỡi bò chín đoạn với âm mưu độc chiếm biển Đông được ứng dụng này quảng bá. Cư dân mạng sôi sục, và wechat bị tẩy chay.
Khi ấy, chính phủ Việt Nam vẫn đứng ngoài. Việc “chiến đấu” với wechat chỉ là cuộc “khởi nghĩa” tự phát của người dùng với sự hậu thuẫn của truyền thông. Vì nói gì thì nói, quản lý các dịch vụ xuyên biên giới luôn là vấn đề nan giải.
Và sau 5 năm, ứng dụng này nhăm nhe quay trở lại.
Mô hình xâm lăng thời Thành Cát Tư Hãn đã qua, kỷ nguyên công nghệ khiến quốc gia này có thể biến quốc gia khác thành thuộc địa mà không cần vũ khí.
Wechat được biết đến như một siêu ứng dụng Tất cả trong một với mọi tính năng mà người dùng online cần có. Mạch máu chảy trong đó là wechat pay, giúp khâu thanh toán trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết mà không cần dời ứng dụng, không cần kết nối tới một trung gian nào khác.
Du khách Trung Quốc khi đi du lịch nước ngoài thường có vấn đề trong việc thanh toán khi các thẻ tín dụng do các ngân hàng địa phương phát hành không được công nhận. WeChat muốn trở thành giải pháp cho vấn đề này.
Khi du khách chi tiêu đồng Nhân dân tệ từ tài khoản WeChat, WeChat Pay sẽ đóng vai trò trung gian thanh toán cho các đơn vị bán lẻ hoặc ngân hàng đối tác.
Hiện tại có 9 loại tiền tệ (AUR, CAD, EUR, GBP, HKD, JPY, KRW, NZD và USD) được chấp nhận thanh toán, bao gồm phí chuyển tiền ra nước ngoài. Và vì một lý do nào đó, wechat pay và các kênh thanh toán Trung Quốc khác được mặc nhiên chấp nhận ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, tiêu biểu là Vân Đồn, Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc.
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh tiền tệ, lũng đoạn thị trường tài chính mà “tiền sử” can thiệp chính trị của ứng dụng này đặt ra nhiều nghi ngại. Nhất là khi mới đây, wechat lên tiếng xác nhận ngấm ngầm thu thập dữ liệu người dùng và chuyển về cho chính phủ Trung Quốc.
Theo AndroidAuthority, công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin OTT lớn nhất đất nước tỷ dân này cho biết hãng đã cập nhật chính sách và phải làm vậy nhằm đáp ứng các điều luật hiện hành tại đây (TQ).
Câu hỏi đặt ra là, các cơ quan quản lý ở đâu, đang và sẽ làm gì để chống đỡ trước cuộc xâm lăng lần 2 của wechat thông qua con đường trung gian thanh toán?
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long