GiadinhNet - Nhà sản xuất Tuyệt đỉnh song ca giải thích, 2 thí sinh tự xưng là sư chỉ là "người tu tại gia", hình ảnh về tiết mục của họ cũng sẽ được sửa đổi khi lên sóng.





Phản hồi chính thức với báo chí quanh lùm xùm về 2 thí sinh Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên bị cho là giả danh nhà sư để thi Tuyệt đỉnh song ca, "làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, sự trang nghiêm của Giáo hội tỉnh Long An", nhà sản xuất của chương trình (Công ty Sen Vàng) nhận định: Địa điểm có tên là chùa Bồng Lai trong thông tin cũ, nhà sản xuất đính chính đây không phải là chùa mà nơi "được những người có tinh thần hướng Phật lập ra để học tập những chân lý của Phật giáo".

"Ở đó, họ cũng xuống tóc, mặc áo nâu nhưng là những người tu tại gia chứ không phải là nhà sư. Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên đã sống ở đây từ nhỏ", Công ty Sen Vàng cho biết. Sau sự bức xúc của khán giả, đặc biệt là các Phật tử, nhà sản xuất cho biết sẽ sửa đổi hình ảnh tiết mục của hai thí sinh này khi phát sóng.

Cụ thể, 2 thí sinh sẽ không khoác áo tu hành. Theo đó, phần thi của Nhất Nguyên và Hoàn Nguyên có thể được lùi lại, phát sóng trong những tập tiếp theo. BTC gửi lời xin lỗi đến khán giả: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc và chân thành xin lỗi vì đã có những hiểu lầm xảy ra trong thời gian vừa qua".

Bình luận về lời giải thích từ nhà sản xuất Tuyệt đỉnh song ca, nhiều khán giả cho rằng, cách giải thích từ Công ty Sen Vàng không mấy thuyết phục, đặc biệt là chi tiết đượch cho là "hiểu lầm" mà ngay từ đầu, khi xảy ra sự cố, đại diện công ty đã dùng để nhận định về sự hời hợt trong quá trình tổ chức chương trình, công bố thông tin thí sinh.

Nhân sự việc này, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An cũng nêu rõ quan điểm: "Trên địa bàn tỉnh Long An, Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An không cho phép, không chấp nhận bất kỳ cá nhân nào đã xuất gia, từ Tăng, Ni đến chú tiểu tham gia hoạt động thi văn nghệ, ca hát trong các chương trình thi thố thế tục.

Giới luật nhà Phật không cho phép và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An quản lý Tăng sự dựa trên giới luật. Nếu có cá nhân nào có sai phạm, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An quyết xử lý nghiêm".
<br />
Hai thí sinh Nhất Nguyên và Hoàn Nguyên<br />


Hai thí sinh Nhất Nguyên và Hoàn Nguyên




Khi sự việc vẫn gây tranh cãi, bức xúc dư luận, nhà sản xuất Tuyệt đỉnh song ca vẫn quyết định "xử lý khủng hoảng" theo hướng giữ thí sinh, chỉ chỉnh sửa hình ảnh. Như vậy, liệu có hợp lý, hợp tình không?.

Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long về câu chuyện này. Blogger mạng xã hội chia sẻ: "Tôi không nắm được quy định cụ thể trong lĩnh vực Phật giáo nên không biết chính xác như thế nào được gọi là người tu hành, có nhất thiết phải tu tại chùa không... và rốt cuộc hai thí sinh kia đúng hay sai. Tuy nhiên, nếu là tu tại gia thì việc cạo đầu, mặc áo nâu sòng... có lẽ là quyền căn bản mà bất cứ ai cũng có thể làm. Không đi tu cũng làm thế được. Về mặt lý, thì không sai.

Điều gây bức xúc ở đây là về khâu đưa thông tin từ BTC. Có vẻ bên BTC muốn đẩy thông tin hai người này thành điểm đặc biệt của chương trình nên mới nhấn vào chi tiết nhà sư hát Bolero, giờ lại phải giải thích thêm về sự việc, cho rằng khán giả đang hiểu nhầm! Tự BTC sẽ biết mình có câu view không, còn rõ ràng, với thông tin trước đó, công chúng ngộ nhận hai thí sinh là nhà sư tu hành trong chùa thật cũng là dễ hiểu. Nhiều người có cảm tình, cảm xúc với chương trình bắt đầu từ hình ảnh ấy".
<br />
Đàm Vĩnh Hưng và màn khóa môi nhà sư gây bức xúc dư luận<br />


Đàm Vĩnh Hưng và màn "khóa môi" nhà sư gây bức xúc dư luận




Nhận định về cách xử lý sự việc từ nhà sản xuất Tuyệt đỉnh song ca, Blogger Nguyễn Ngọc Long cho biết: "Đơn giản là người ngoài cuộc như khán giả không thể và không cần biết sự tình, tóm lại, với diễn biến như hiện nay, đa phần khán giả có cảm giác chung: Chúng tôi bị lừa!

BTC sẽ khó để giải thích, nào thì tu tại gia cũng là tu, thông tin chưa rõ ràng nên gây hiểu nhầm... Trong tình huống này, BTC phải đứng về phía khán giả, đảm bảo để họ tiếp nhận thông tin chính xác, nhận được lời xin lỗi chân thành thay vì cố gắng hợp thức hóa thông tin. Mọi giải thích với công chúng cần để họ cảm nhận được niềm tin, thiện cảm.

Một gameshow giải trí cũng phải có văn hóa chưa kể đây lại chạm đến lĩnh vực tôn giáo. Yếu tố ấy đặt ra một yêu cầu về cách xử lý khéo léo nhưng phải thành thật, chân tình sao cho mọi người thấy nhẹ nhõm. Hoàn toàn không thể biến một câu chuyện có yếu tố tôn giáo, văn hóa phủ đầy màu sắc giải trí trần tục. Như thế, hậu quả khó lường lắm. Đàm Vĩnh Hưng từng hôn nhà sư trên sân khấu, đến nay hình ảnh ấy vẫn trở thành một dấu ấn tiêu cực đối với nam ca sĩ.

Nội hàm câu chuyện có thể không không quá ghê gớm và những người theo tôn giáo luôn giàu vị tha, dễ cảm với tấm chân tình thì nhà sản xuất Tuyệt đỉnh song ca nên lấy đó làm kim chỉ nam. Đất nước Việt Nam phần đông theo Phật giáo, rất có thể trong chính ê-kíp chương trình cũng có người theo đạo Phật nên không loại trừ sự tổn thương từ bên trong còn nguy hơn bên ngoài. Đừng xử lý khủng hoảng này như cách xử lý một câu chuyện của showbiz".




Nguồn: Báo điện tử Gia đình & Xã hội