Nội dung này không phải của Truyền thông Trăng Đen, mà là chia sẻ cá nhân của các thành viên Biệt đội Trăng Đen với cộng đồng. Team Truyền thông Trăng Đen đăng lại bài và đặt title.
Người chia sẻ: Chị Phí Mai Chi (Chuyên gia về quyền trẻ em)
Hiểu đúng và đủ các Quyền trẻ em để không gặp các rắc rối khi kinh doanh/làm truyền thông cho các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến các em nhỏ nhé cả nhà!
(Tham chiếu khuyến nghị của UNICEF trong Bộ ứng xử Quyền trẻ em và quy tắc kinh doanh)
Để nuôi dạy trẻ em cần có một ngôi làng.
Hiện nay, các đơn vị kinh doanh giáo dục hoặc các sản phẩm dịch vụ có liên quan đến trẻ em thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động đa dạng, phong phú cho trẻ em như dã ngoại, trải nghiệm thiên nhiên, camp, giáo dục trải nghiệm.... hoặc thu thập thông tin, hoặc sử dụng hình ảnh của trẻ .... nhằm mục đích marketing, truyền thông doanh nghiệp. Tuy nhiên có thể nhiều chủ doanh nghiệp và các thầy cô giáo, cha mẹ vẫn chưa để ý tới những quy định về Quyền trẻ em và các quy tắc kinh doanh liên quan tới sản phẩm/dịch vụ dành cho trẻ em. Điều này vô tình vi phạm vào quyền trẻ em, và các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời làm giảm đi tính nhân văn của hoạt động giáo dục cho trẻ. Một số quy định đã được pháp luật quốc tế và luật Việt Nam quy định, tuy vậy do chưa có tình huống kiện tụng, xử phạt vi phạm nào nên không thật sự nhiều người lưu tâm.
Nhân dịp cả động hưởng ứng chương trình Truyền thông trong giáo dục, mình giới thiệu với các bạn những nội dung bên dưới, với mong muốn giúp các thành viên trong Biệt đội nắm được, vừa tránh các hệ lụy không hay có thể phát sinh, vừa là để bản thân các anh chị khi kinh doanh thì sẽ làm đúng, từ đó, đối với công tác truyền thông nói riêng, cũng như các hoạt động kinh doanh nói chung sẽ thật sự đảm bảo được sự an toàn, văn minh cho trẻ.
Bên cạnh đó, nếu thực hiện đúng, thì nhiều khi không cần quá cầu kì tìm hiểu nhiều ý tưởng truyền thông khác lạ, mà hãy làm đúng, và truyền đi thông tin rằng các bạn đã và đang thực hiện tốt các Quyền trẻ em & trách nhiệm xã hội của mình, thì cũng sẽ góp phần tích cực xây dựng hình ảnh tích cực về đơn vị mình trong mắt phụ huynh và cộng đồng rồi đó.
Đồng thời mình cũng muốn chia sẻ thông tin này tới các phụ huynh để các anh chị có cơ sở lựa chọn những dịch vụ chuyên nghiệp, văn minh có trách nhiệm và an toàn cho con trẻ.
1. Thiếu giấy ủy quyền giữa cha mẹ và bên cung cấp dịch vụ
Về nguyên tắc, cha mẹ là người bảo trợ hợp pháp của con, khi cha mẹ giao trẻ, bên cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm tương tự như cha mẹ bao gồm toàn bộ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự... của trẻ. Vì vậy giấy ủy quyền là yêu cầu tối thiểu với các dịch vụ trẻ em tham gia cả ngày hoặc qua đêm khi không có cha mẹ đi cùng.
2. Không thu thập đủ các thông tin cá nhân của trẻ
Các thông tin bao gồm:
- Thông tin cá nhân cơ bản như tình trạng sức khỏe, bệnh tật, nhóm máu, dị ứng thức ăn.
- Thông tin liên lạc, số điện thoại gồm cả cố định, nên tốt nhất là 2 người trong gia đình
Việc này cũng vô cùng quan trọng vì có việc đột xuất xảy ra, đơn vị cung cấp dịch vụ có khả năng liên lạc ngay được với gia đình, hoặc sử dụng các thông tin cá nhân của trẻ để có chế độ chăm sóc phù hợp hoặc kịp thời ứng phó với các tình huống khẩn cấp phát sinh.
3. Các điều kiện đảm bảo an toàn trong thời gian trẻ tham gia học tập, đặc biệt các khóa học kỹ năng qua trải nghiệm thực tế
- Điều kiện nơi ăn, chốn ở: điều kiện sinh hoạt cần thông báo cho trẻ khi đưa trẻ đến những nơi khác biệt so với nơi trẻ sinh sống. Đặc biệt là nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng. Cần thông báo cho trẻ các nội quy an toàn, thông tin ứng xử phù hợp, cách tự bảo vệ mình trước các nguy cơ như quấy rối tình dục có thể xảy ra.
- Điều kiện đảm bảo an toàn: Nếu là khóa học trải nghiệm cuộc sống ở nơi hoang dã, thiên nhiên gần với núi, sông, biển, nơi sản xuất, chế biến...., cần có các trang thiết bị bảo hộ kèm theo, nếu không yêu cầu cha mẹ hướng dẫn trẻ chuẩn bị như giầy tất, quần áo phù hợp, kem chống muỗi, túi thuốc sơ cứu thương....
- Mua bảo hiểm cho trẻ
Thảo luận: Nếu xảy ra tình huống xấu, thì ai sẽ chịu trách nhiệm xử lý hậu quả này? – tham khảo câu chuyện thương tâm.
4. Công khai thông tin cá nhân của trẻ tại nơi công cộng
- Việc công bố điểm trúng tuyển, điểm thi công khai của toàn bộ thí sinh trên bảng thông báo, email của tổ chức là một việc làm vi phạm quyền trẻ em.
- Mỗi trẻ cần có một phiếu thông tin riêng về kết quả học tập gửi tới từng cha mẹ
Tham khảo đề tài thảo luận: Nếu công bố thì có bị xử phạt không và quy định có tính khả thi không?
5. Không xin phép khi sử dung thông tin cá nhân của trẻ
- Các tổ chức cung cấp dịch vụ cần xin phép cha mẹ và trẻ trên 7 tuổi khi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ tại các sự kiện trong hoạt động truyền thông, đưa tin, đảm bảo các thông tin cá nhân không được phát tán, chia sẻ cho bên thứ ba
- Chụp ảnh cho trẻ em trong sự kiện không thông báo, xin phép phụ huynh và trẻ trên 7 tuổi
Câu hỏi đặt ra: Có nên xin phép không và nên xin phép như thế nào?
6. Xâm phạm bí mật riêng tư của trẻ về thông tin và hình ảnh thân thể
Khi phỏng vấn, viết bài làm marketing cần tuân thủ nguyên tắc xin phép như trên đồng thời đảm bảo nguyên tắc che mặt, che thông tin cá nhân, những bộ phận riêng tư trên cơ thể khi phản ánh vấn đề liên quan đến đánh giá đạo đức, nhân cách như thành tích học tập kém, đánh nhau, chơi game…. Đặc biệt đối với các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em. Việc cung cấp thông tin cá nhân có thể khiến trẻ tiếp tục bị áp lực tâm lý, bị “xâm hại kép”.
Câu hỏi liên quan: Ranh giới giữa minh bạch thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.
7. Vô tình xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ
Công ước liên hợp quốc về Quyền trẻ em và Luật Trẻ em năm 2O16 quy định những hành vi nghiêm cấm, trong đó “Nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em”.
Thảo luận: Chương trình hot của VTC "Bố ơi mình đi đâu thế" với trò Hố tự kỷ có ảnh hưởng gì khi vô tình xúc phạm trẻ tự kỷ? Đâu là nguyên tắc để tránh những hành vi vô tình này?
8. Lợi dụng hình ảnh trẻ em để làm truyền thông
Các chương trình trải nghiệm/gameshow truyền hình, quảng cáo doanh nghiệp phải tôn trọng tuyệt đối quyền riêng tư/thông tin cá nhân của trẻ em, tôn trọng sự thật.
Khi sử dụng hình ảnh trẻ em, phải được sự đồng ý của chính trẻ trên 7 tuổi và người bảo trợ hợp pháp. Khuyến nghị không lạm dụng thời gian quá 4 tiếng trong ngày, ảnh hưởng đến đời sống và học tập của trẻ
Thảo luận: Những lưu ý nào khi sử dụng hình ảnh trẻ em trong truyền thông/marketing mà không vi phạm đạo đức, luật pháp?
9. Thiếu cảnh báo thông tin để bảo vệ trẻ em
- Thông tin về sản phẩm/dịch vụ có phù hợp với trẻ em không? ở độ tuổi nào?
- Có cơ chế kiểm soát để trẻ em không tiếp cận với thông tin, sản phẩm, dịch vụ không phù hợp
- Có thông tin hỗ trợ khẩn cấp không?
- Có đội ngũ nhân viên y tế, cứu hộ, hỗ trợ không?
Thảo luận: Liệu học kỳ quân đội có vi phạm đến QTE khi cho trẻ làm quen với súng quân dụng, trong khi súng đồ chơi là mặt hàng cấm vì không phù hợp với trẻ em?
Bổ sung: Những hành vi bị cấm được quy định tại Điều 6 Luật trẻ em, cụ thể là:
1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.
2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.
4. Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.
5. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
6. Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.
7. Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
8. Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc Điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.
9. Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.
10. Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
11. Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
12. Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.
13. Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, Điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, Điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.
14. Lấn chiếm, sử dụng cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em sai Mục đích hoặc trái quy định của pháp luật.
15. Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, Điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm.
Điều 105 của Luật này cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Có thể thông tin này sẽ khiến nhiều thầy cô giáo và phụ huynh giật mình. Nếu thật sự như vậy, các anh chị hãy quan tâm tới vấn đề này ngay từ hôm nay nhé. Hãy chủ động lên tiếng để đảm bảo Quyền của con em mình được thực hiện đầy đủ.
Từ phía các anh chị em là chủ doanh nghiệp, và các đơn vị kinh doanh giáo dục & sản phẩm liên quan tới trẻ em, các anh chị em đã có ai mắc phải các sai lầm này chưa? Theo các anh chị, nếu thực hiện đầy đủ thì việc kinh doanh, làm truyền thông, marketing của các anh chị sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Hãy cùng thảo luận để tìm cách tháo gỡ nhé!
Bài chia sẻ của chị Phí Mai Chi thực sự đã là một hồi chuông báo động cho các thành viên Biệt đội đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan tới trẻ em để tìm hiểu, áp dụng luật chính xác. Hy vọng những kiến thức này sẽ hữu ích cho công việc của bạn.
Người biên tập: Nguyễn Thế Anh