Nội dung này không phải của Truyền thông Trăng Đen, mà là chia sẻ cá nhân của các thành viên Biệt đội Trăng Đen với cộng đồng. Team Truyền thông Trăng Đen đăng lại bài và đặt title.



Người chia sẻ chính: Chị Nguyễn Thu Thúy (Founder thương hiệu mỹ phẩm CHIB)

Mỹ phẩm là một ngành hàng kinh doanh có lợi nhuận hấp dẫn, khách hàng khá trung thành, thị trường phát triển liên tục. Tuy nhiên đây cũng là một lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro. Bắt nguồn từ một câu hỏi xin tư vấn về vấn đề khách hàng ở khu vực thường lên mạng xã hội “bóc phốt” sản phẩm khi cảm thấy dùng không hiệu quả, thành viên Nguyễn Thu Thúy đã có những chia sẻ quý báu, rút ra từ hơn 3 năm kinh nghiệm xây dựng thương hiệu mỹ phẩm handmade của mình.

Bản thân mình bán mỹ phẩm handmade được hơn 3 năm, mà hầu hết sản phẩm không nhãn mác hoặc rất sơ sài. Nhưng khách hàng tin mình là tin "lăn lóc" luôn, chứ không có bị nghi ngờ bao giờ. Đặc biệt là khi bị dị ứng mỹ phẩm lạ, họ luôn quay lại hỏi mình. Nhờ vậy, mình thấy rằng khi bán mỹ phẩm, điều mà các anh/chị/em cần là:

1. Niềm tin của khách: Cái này phải lấy từ sản phẩm, dịch vụ và kiến thức của người bán hàng. Yêu cầu là phải hiểu về da, phân loại được và nên dùng các câu hỏi mở để hỏi khách, khiến khách nói hết các vấn đề của họ rồi mới đưa ra tư vấn. Và nhớ rằng, đừng khăng khăng khẳng định hàng của mình tốt. Mỹ phẩm nào cũng có khả năng bị dị ứng, dìm hàng là mỹ phẩm đểu sẽ gây dị ứng là không đúng, và khi chẳng may khách hàng dị ứng chính mỹ phẩm của mình bán, họ rất có thể nghĩ mình bán đồ đểu.

2. Mỹ phẩm nào cũng có khả năng bị dị ứng, vì vậy hãy đảm bảo với khách về quy trình phục hồi da tự nhiên thật tốt từ phía người bán. Da cần nghỉ ngơi như thế nào? Sau bao lâu nên dùng? Trước khi dùng test ra sao?... Đừng ngại nhận trách nhiệm, vì sau đó khách sẽ mua theo ý bạn chứ không còn mua theo ý họ. Cái này gần như chắc chắn luôn.

3. Làm bạn với khách, đừng khó chịu khi khách mua sản phẩm của người khác xong dị ứng lại quay lại với mình. Hiển nhiên là ai cũng sẽ có lúc rời bạn đi mua thứ khác vì họ cảm thấy thú vị hơn, nhưng khi có vấn đề, người đầu tiên họ nhờ giúp đỡ là mình thì cũng là một thành công rồi. Hãy tư vấn cho khách hàng thật chân thành, không nhất thiết phải bán được hàng mà đôi khi hãy khuyên họ dùng sản phẩm phù hợp nhất với da của họ tại thời điểm đó cũng là một cách làm khôn ngoan để khiến họ chẳng bao giờ "không mua" sản phẩm của mình.

4. Nhớ chăm sóc khách hàng, thi thoảng hãy hỏi họ về tình hình da, cải thiện chưa, có phát sinh gì mới không? Trước mắt là tăng tình cảm, sau nữa sau cuộc nói chuyện bạn có thể bán tiếp được những đơn hàng tiếp theo sau, ngoài ra còn giúp họ thiện cảm, giới thiệu khách và sẵn sàng nói tốt ở đâu đó cho bạn mà không mất nhiều chi phí.



Trong kinh doanh mỹ phẩm, điều quan trọng nhất chính là Niềm tin của khách hàng.

Tiếp theo, trả lời câu hỏi, phải làm sao khi khách hàng feedback không tốt về sản phẩm, chị Thúy viết:

1. Hãy sure về nguồn gốc hàng hóa và chắc chắn bạn đang mua hàng chính hãng. Điều khách hàng cần là bạn chứng minh được hàng của bạn lấy đúng từ hãng ra. Cái này dựa trên bill, giờ, ngày mua.

2. Cung cấp thông tin minh bạch: Hàng sản xuất ở nước nào, có chống chỉ định gì không? Dành cho trường hợp da như thế nào? Khi dị ứng thì ai sẽ là người để cho họ liên hệ?

3. Mỹ phẩm nào cũng có khả năng bị dị ứng. Vì vậy, hãy khuyến cáo khách hàng test trước khi dùng ở những vùng da nhỏ. Và khi bị dị ứng cần ngưng ngay sử dụng sản phẩm. Hãy để da nghỉ và có liệu pháp phục hồi phù hợp.

Nếu có trường hợp này, hãy nhận lại, ghi nhận qua ảnh càng tốt. Gửi feedback lại hãng. Còn cá nhân bạn phải là người chịu trách nhiệm cho việc họ bị dị ứng. Follow họ đến cùng.

Mình tranh thủ note từng ấy đã. Có thời gian mình sẽ share thêm và note khoa học hơn. Mình viết rất vội và đây là ý kiến cá nhân nên mọi người thấy có gì cần góp ý cứ share thêm nhé.

Những trải nghiệm cá nhân quý giá của chị Nguyễn Thu Thúy đã được cộng đồng đón nhận vô cùng hào hứng. Dưới phần comment, một thành viên đưa ý kiến: “Làm mỹ phẩm handmade, hãy khai thác và phối hợp đều Fanpage - Group - Facebook cá nhân để gây dựng uy tín thì bán hàng sẽ ổn, đều đặn mà không cần chi phí quảng cáo lớn.” - Đây cũng là một chiến lược khá hay ho dành cho những người đang muốn kinh doanh mỹ phẩm, đặc biệt trên môi trường online.

 

Người biên tập: Thế Anh.