Đó là một trong những câu chia sẻ từ anh Long mà tôi rất tâm đắc trong khoá học Kỹ năng truyền thông cho Doanh nghiệp xã hội và tổ chức phi lợi nhuận diễn ra ngày 9/4 ở Sài Gòn.

Khóa học được tài trợ bởi Quỹ Trăng Đen, tổ chức bởi SSEC - Cộng đồng hỗ trợ doanh nghiệp xã hội.

Bài tường thuật này được viết lại từ những ghi chép trong buổi học và từ những góc nhìn cá nhân của bạn Hạ Hồng Việt - sáng lập page Ngưng Ngược Đãi, khách mời của chương trình.


Ngày 9/4/2017, tôi được làm khách mời của một khoá học truyền thông tổ chức cho Doanh nghiệp Xã hội và các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ. Sự kiện này do Truyền thông Trăng Đen, Cộng đồng SSEC phối hợp tổ chức, dưới sự tài trợ của Quỹ Trăng Đen.


Người dẫn dắt của sự kiện là anh Nguyễn Ngọc Long Blackmoon - Blogger truyền thông xã hội. Tuy đã từng được nghe anh Long nói nhiều lần, về cùng một chủ đề là các bước lập kế hoạch truyền thông, nhưng mỗi lần được nghe anh Long nói là tôi lại thấy mở mang được nhiều điều, và lần này cũng không phải ngoại lệ.


Như tôi được biết từ trước, Lập kế hoạch truyền thông theo phương pháp của Truyền thông Trăng Đen có 9 bước, nhưng trong khoá học này anh Long chỉ nói về 4 bước đầu. Như anh Long đã giải thích, lý do là nếu nói nhiều thì mọi người cũng không “tiêu hoá” được hết, và không thể đi nghe một buổi về là có thể làm được ngay đâu! Thà chỉ tâm đắc được 1 ý nào đó trong buổi học, cầm cái kiến thức đó về và ứng dụng thực hành, thì hiệu quả truyền thông đã có thể có sự thay đổi rồi.


Qua 1 ngày chia sẻ, anh Long đã khái quát cho các học viên những khái niệm cơ bản nhất của truyền thông: Mục tiêu truyền thông, Công chúng mục tiêu, Thông điệp truyền thông, Kênh truyền thông. Việc hiểu rõ và vận dụng các kiến thức căn bản này sẽ giúp các doanh nghiệp xã hội làm truyền thông đúng cách, tiết kiệm, nhanh chóng và hiệu quả hơn.


Mình xin được tổng hợp lại một số kiến thức hữu ích:





  1. Mục tiêu truyền thông luôn phải đi kèm mục tiêu kinh doanh. Thông thường, nếu chỉ làm mọi việc để bán hàng thì doanh nghiệp sẽ nói một lèo đủ thứ miễn sao chốt được đơn hàng. Còn nếu làm truyền thông để hỗ trợ cho bán hàng thì cần phải được chia ra làm nhiều giai đoạn, ví dụ aware, trial, stay, viral…



  2. Làm truyền thông cần xác định cụ thể công chúng mục tiêu. Công chúng mục tiêu hoàn toàn khác khách hàng mục tiêu. Công chúng mục tiêu cũng phụ thuộc giai đoạn trong mục tiêu kinh doanh. Khi xác định cụ thể rồi thì cần vẽ chân dung công chúng mục tiêu cực kỳ rõ ràng, sắc nét, sâu đậm. Anh Nguyễn Ngọc Long chia sẻ: “Tôi làm truyền thông thì có nhắm mắt lại vẫn “nhìn thấy” công chúng mục tiêu hiện lên trước mắt. Ăn cũng nhớ, ngủ cũng nhớ, tôi “nhìn thấy” họ rõ như hiện hình trước mắt.”



  3. Từ mục tiêu truyền thông và công chúng mục tiêu, hãy xác định các Kênh truyền thông hiệu quả nhắm đến họ. Mỗi kênh truyền thông có một đặc điểm và hiệu quả riêng biệt. Đừng bao giờ nghĩ mặc định phải lập một fanpage.



  4. Về Thông điệp: Hãy nói điều doanh nghiệp có dưới góc độ công chúng mục tiêu muốn nghe. Đây là vấn đề các doanh nghiệp xã hội, tổ chức phi lợi nhuận thường sa đà vào những lối mòn cũ kỹ mà họ thường mắc phải từ trước tới nay như “ủng hộ”, “hỗ trợ”, “hãy giúp chúng tôi”.



Những ai đi học buổi này đều đã biết, rằng phần đầu buổi học được diễn ra khá lâu với phần hỏi đáp của anh Long và những học viên. Nếu để ý sẽ thấy được buổi học này có slide, nhưng thật ra chẳng được sử dụng mấy. Nói đúng hơn đây không phải là buổi học, mà là một buổi offline nhỏ, mọi người cùng nhau chia sẻ vấn đề của mình và anh Long hướng dẫn cách giải quyết, từ đó dẫn dắt ra những khái niệm cơ bản nhất của truyền thông. Chứ không có giáo án hay bài giảng nào thật sự được lôi ra trong sự kiện này. Mình nghĩ rằng đó cũng là lý do mà những người tham gia sẽ cảm thấy rất hiệu quả và thời gian của mình không bị phí.


Mình nhớ câu chuyện của chị Nguyễn Cẩm Vân, top 30 under 30 Forbes, founder HandiConnect với những rắc rối xung quanh thương hiệu cá nhân và những lời thị phi của đám đông. Mình cũng nhớ câu chuyện của chị Đào Thị Hằng, với câu chuyện về mắm ruốc và bài học: “Đừng nói hết tất cả các điểm tốt của mình, hãy chỉ nói những điều mà công chúng quan tâm”. Mình cũng nhớ những câu hỏi của mọi người, về việc: “Làm sao để có thể làm fanpage hiệu quả?” và câu hỏi ngược lại của anh Long: “Làm Fanpage để làm gì? Tại sao nhất quyết phải làm Fanpage?”


Phần sau của buổi học, bản thân mình - là khách mời của sự kiện với vai trò là sáng lập và điều hành page Ngưng Ngược Đãi, đã chia sẻ những điểm mà mình rút tỉa được trong quá trình làm nội dung cho Page. Đây là những kinh nghiệm bản thân mình cũng rất tâm đắc:





  1. Luôn luôn phải xác định rõ ràng công chúng mục tiêu của page. Nghiên cứu kỹ insight của công chúng mục tiêu qua cộng đồng, báo chí, mạng xã hội…



  2. Truyền tải thông điệp nhất quán từ đầu tới cuối, như với Ngưng ngược đãi, thông điệp luôn hướng tới việc: “Ngược đãi không chỉ bằng hành động, mà còn ở lời nói”.



  3. Sản xuất nội dung liên tục theo insight của công chúng mục tiêu và luôn trung thành với việc truyền tải duy nhất một thông điệp. Tìm insight và xem công chúng đang quan tâm cái gì tại những kênh mà công chúng thường theo dõi.



  4. Xác định mục tiêu truyền thông rõ ràng: Khuấy động, gây chú ý với cộng đồng qua cụm từ #Ngưngngượcđãi



Sự kiện này có thể nói như là event: “Làm quen với truyền thông”, còn thực sự để có thể lập được một kế hoạch truyền thông, mình nghĩ rằng cần một buổi chi tiết hơn, bài bản hơn về từng bước và phải làm những gì. Phần đó có lẽ sẽ xuất hiện trong khoá học Zero9 - 9 bước lập kế hoạch truyền thông mà mình sắp tham dự. Hy vọng sẽ có những ghi chép bổ ích hơn cho tất cả mọi người về khoá học.


Trên đây là một vài tường thuật của mình xung quanh khoá học: Kỹ năng truyền thông cho DNXH, NPO & NGO. Hy vọng các bạn có thể nhặt nhạnh được những điều bổ ích về truyền thông cho riêng mình.


Hạ Hồng Việt