4 Bài học phải nhớ khi khởi nghiệp trong ngành F&B

Nội dung này không phải của Truyền thông Trăng Đen, mà là chia sẻ cá nhân của một thành viên Biệt đội Trăng Đen với cộng đồng.

Người chia sẻ: Anh Hà Tiến Cường (Founder & CEO của Tiệm bánh Nhọ Nồi)
Bài viết chia sẻ những bài học xương máu sau 3 năm lăn lộn khởi nghiệp trong ngành F&B (thực phẩm & ăn uống) của anh Hà Tiến Cường với thương hiệu Tiệm bánh Nhọ Nồi. Bài viết được đăng trong group Biệt đội Trăng Đen, Truyền thông Trăng Đen biên tập lại và đặt title.Chẳng giấu gì cả Động, mình mở một thương hiệu vệ bánh ngọt đã được 3 năm. Với một người trẻ, chẳng có kinh nghiệm gì, lăn vào một ngành về F&B, mình cũng chẳng có chuyên môn gì về bánh trái và chỉ biết chút ít về marketing. Quả thực mấy năm qua, mình đã phải trải qua rất nhiều bài học từ điều hành, quản lý, con người đến việc chịu trách nhiệm với một doanh nghiệp thế nào. Lúc mới đầu, trong đầu mình định hình ra một cửa hàng nhỏ, mở ra để làm một quán bánh ngọt có không gian, chỗ ngồi và có phục vụ kèm đồ uống. Sau đó cửa hàng đầu tiên thành công, mình mở tiếp những cửa hàng tiếp theo. Mỗi bước đi của mình chỉ là những lựa chọn trong ngắn hạn, trong khi chiến lược dài hạn và tầm nhìn chưa có. Sau một thời gian vật lộn với những vấn đề của doanh nghiệp của mình, mình rút được ra một vài bài học mong có thể chia sẻ với cả Động:Đầu tiên là bài học về việc thay đổi cách tư duy trước khi có sự thay đổi về hành động. Mở 1 cửa hàng khác với mở 2 cửa hàng, và mở một vài cửa hàng khác nhiều với mở chuỗi, mở thương hiệu. Từ việc vận hành, nguồn lực, đội ngũ, tư duy truyền thống, quản trị chất lượng mọi thứ thực sự rất khác nhau. Ngay cả những việc lúc trước mình là người làm rất tốt có thể thành trở ngại cho việc vận hành một thứ có quy mô lớn hơn nếu mình ko bắt đầu thay đổi các tư duy.Bài học về việc xây dựng và tổ chức đội ngũ. Sau khi làm startup và đến giờ làm chuỗi, mình nhận thấy đội ngũ của 1 công ty quan trọng nhất chưa hẳn là kỹ năng hay kinh nghiệm mà quan trọng nhất là sự phù hợp và gắn kết. Chưa kể là như hiện tại, bản thân mình là CEO nhưng vẫn phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc cấp chuyên môn do chưa tìm được đủ nhân sự phù hợp với giá trị của công ty. Mình thấy đội ngũ gắn kết là đội ngũ phải khăng khít trong cách làm việc, mọi người phải làm việc vì cái chung và phải có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng.Mình sai lầm khi là người đứng đầu nhưng lại nghĩ là mọi người đều hiểu mình cần làm gì và ôm đồm quá nhiều, không tìm kiếm những người đồng hành gắn kết trong suốt mấy năm vừa rồi. Và có một thứ nữa chắc thuộc về tính cách đó là mình dễ tin người và mình không giữ được sự ổn định về cảm xúc khi nhận thấy trong đội ngũ có những người không thực lòng, không chân thật với đồng đội, kể cả là người thân trong gia đình. Mình thấy thật sự may mắn nếu CEO có thể xây dựng được một đội ngũ, ít nhất là mọi người sống thật với nhau.
                                                                      Tiệm bánh Nhọ Nồi đầu tiên của anh Cường.
Kế đến là bài học về nguồn lực và quản lý tài chính. Thực sự khi làm kinh doanh mình mới thấy một sự thật cay đắng là tiền của công ty và của chính mình không biết nó đi đâu hết. Vốn, tiền mặt, quán trị tài chính là việc vô cùng cần thiết dù rằng mình có đang kinh doanh cực tốt. Và mô hình kinh doanh chỉ được phép mở rộng khi mà mình phải thật vững vàng về nguồn lực tài chính, nhân sự và quy trình. Sai lầm của mình là sử dụng nguồn lực một cách thiếu tính toán, vốn lưu động lại lấy ra làm vốn cố định xong đầu tư dẫn đến thiếu nguồn lực, điều tương tự cũng xảy ra với nguồn lực về con người. Và bài học cuối cùng mình học là về việc tích lũy tri thức và quy trình của doanh nghiệp. Trừ những người là co-founder, cổ đông cùng tham gia bỏ vốn và công sức thì bất cứ ai cũng có thể rời bỏ công ty, duy đó là nhân viên mình tin tưởng nhất (những người bên trên cũng có thể rời bỏ công ty, hoặc họ sẽ không làm những việc họ từng làm nữa). Khi đó, nếu mình không có cơ chế tích lũy lại những tri thức hay quy trình trong suốt thời gian họ làm việc sẽ là mất trắng và ko được chuyển giao cho nhân sự kế cận. Nên bài học của mình sau tất cả những lần mất trắng là việc bắt buộc khi bất cứ nhân sự nào làm gì đều phải có bản bàn giao, và sản xuất tri thức để trả lại công ty. Chưa kể để có thế nhượng quyền thương hiệu hay phát triển hệ thống mạnh mẽ thì quả thực điều quan trọng nhất chính là đóng gói được quy trình vận hành và tri thức của thương hiệu.Mình mong những chia sẻ của trên có thể tìm được sự đồng cảm của những anh chị em cũng làm startup trong Động. Anh chị em nào muốn trao đổi thêm về mảng này thì mình rất mong nhận được phản hồi và học hỏi. Mình cũng sẵn sàng chia sẻ những gì mình đã làm trong suốt 3 năm qua với anh chị em quan tâm.

Bài viết của anh Cường đã nhận được khá nhiều sự chú ý và phản hồi của cộng đồng. Đa số mọi người khen ngợi bài viết rất thực tế và hữu ích đối với các doanh nghiệp còn non trẻ. Tiếp theo, nhiều ý kiến cũng đồng cảm và chia sẻ các vấn đề tương tự như quản lý và huy động vốn cho doanh nghiệp, việc tổ chức và đào tạo nhân sự… Một số thành viên ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ ý muốn góp vốn, hợp tác kinh doanh với ông chủ của Tiệm bánh Nhọ Nồi.

Người biên tập: Thế Anh.

Trả lời